Chuyện xưa kể rằng, vào đời Đường bên Trung Quốc, có một người tên là Hà Điền Nhi ốm yếu từ nhỏ, năm 58 tuổi vẫn chưa có con, bởi vậy trong lòng phiền muộn khôn nguôi.
Một hôm, họ Hà buồn quá bèn xuống núi uống rượu say đến nỗi nằm lăn ra ngủ cạnh bìa rừng mà không biết. Khi tỉnh dậy, anh ta chợt nhìn thấy bên cạnh mình có một loại cây thân leo, từng cặp, từng cặp uốn quấn với nhau rất là kỳ quái. Đợi khi trời sáng, Hà Điền Nhi bèn đào lấy rễ cây đem về nhà kiên trì sắc uống.
Sau nhiều tháng, tóc anh ta từ bạc trắng chuyển thành đen nhánh, thân hình trở nên cường tráng, trong 10 năm sinh liền mấy đứa con sống thọ 160 tuổi. Cháu nội của Điền Nhi là Hà Thủ Ô dùng thuốc cũng thọ tới 130 tuổi mà tóc vẫn còn đen bóng. Anh ta đem thuốc cho họ hàng và bà con làng xóm cùng dùng, bởi vậy mọi người gọi cây thuốc này là hà thủ ô.
Cùng tên hà thủ ô, ở Việt Nam có 2 loại: hà thủ ô đỏ và hà thủ ô trắng. Loại hay được dùng làm thuốc chính là hà thủ ô đỏ. Đó là một loại cây dây leo nhỏ, sống nhiều năm, mọc lẫn với nhiều loài cây khác. Hà thủ ô đỏ có vị chát, ngọt, đắng, tính hơi ấm. Theo Đông y, ngoài công dụng làm đen tóc, hà thủ ô đỏ còn có tác dụng bổ máu, an thần, dưỡng can, ích thận, cố tinh, nhuận tràng, chữa sốt rét.
Hà thủ ô đỏ có thể chữa suy nhược thần kinh và các bệnh về thần kinh, bổ tim, giúp sinh huyết dịch, kích thích co bóp ruột, kích thích tiêu hóa, cải thiện dinh dưỡng, có tác dụng kiểu oestrogen và progesteron nhẹ. Nó cũng giúp tăng tiết sữa, chống co thắt phế quản, chống viêm. Nước sắc hà thủ ô đỏ 1/100 có thể ức chế sự phát triển của trực khuẩn lao. Còn cồn hà thủ ô đỏ có thể phòng xơ vữa động mạch, làm giảm cholesterol và triglycerid huyết thanh, ức chế tăng lipid máu.
Bộ phận dùng của hà thủ ô đỏ là phần rễ phình lên thành củ (trông giống củ khoai lang), thịt màu nâu đỏ, nhiều xơ.
- Hà thủ ô đỏ khô rửa sạch, cạo vỏ, ngâm nước rồi ủ cho mềm, thái lát.
- Đậu đen rửa sạch, đãi bỏ hạt lép, hạt sâu, ngâm nước 30 phút. (Hà thủ ô đỏ và đậu đen lượng bằng nhau).
- Rửa sạch chõ, xếp một phiến hà thủ ô đỏ, rắc một lớp hạt đậu đen, đồ cho đến khi hạt đậu đen chín nhừ, chọn lấy phiến hà thủ ô phơi khô, nếu làm được như vậy 9 lần (gọi là cửu chung cửu sái) là tốt nhất.
Sau đó, dùng hà thủ ô đã chế biến để sắc thuốc uống theo chỉ dẫn của thầy thuốc.
Hà thủ ô là dược liệu quý hiếm đã được đưa vào sách đỏ Việt Nam. Nó là vị thuốc bổ gan thận, bổ máu, chữa đau lưng mỏi gối, uống lâu làm đen râu tóc… Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường, vị thuốc quý này đang bị làm giả để trục lợi.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét